7. Các vấn đề liên quan đến lĩnh vực Pháp chế (09 câu hỏi)
Câu hỏi 1:
- Khi một văn
bản mới được ban hành thường thời hạn áp dụng là ngắn, DN không đủ thời gian
nghiên cứu thực hiện đúng, từ ngữ sử dụng khó hiểu, hiểu chung chung, dễ hiểu
sai hoặc hiểu thế nào cũng được làm cho DN khó áp dụng hoặc vô tình áp dụng sai
quy định. Văn bản ban hành cần có thời gian để DN nghiên cứu thực hiện, tăng
cường tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, các buổi hội thảo.
Văn bản xây dựng cần đơn giản hóa, sử dụng từ ngữ chính xác, gần gũi với DN. Cần
lắng nghe ý kiến của người trực tiếp làm thủ tục, cũng như các công chức hải
quan trực tiếp giải quyết cho doanh nghiệp để ban hành các chính sách phù hợp
với thực tế.
-
Thường xuyên
tổ chức tập huấn chính sách mới để phổ biến cho doanh nghiệp trong hoạt động
XNK. Thông tin về hướng dẫn thủ tục XNK còn hạn chế, tăng cường tập huấn đối
thoại cho doanh nghiệp.
- Cần có các
buổi tập huấn, đối thoại cho các DN ở xa trung tâm. Gọi điện
thoại trực tiếp, kết hợp nhắn tin để thông
báo cho DN để chủ động được đi học và đối thoại.
Trả lời:
Hiện nay, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực hải quan sau khi
ban hành đều
tuân thủ đúng quy định tại Khoản 2 Điều 78 và Điều
84 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008; và
được đăng Công báo và đăng tải trên
Trang thông tin điện tử của ngành Hải quan và các Bộ,
Ngành liên quan chậm nhất là hai ngày,
kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành. Việc thực hiện như vậy giúp cộng đồng doanh nghiệp
và những cá nhân, tổ chức quan tâm tham khảo.
Nhận thức được vị trí, tầm quan trọng
của việc
tuyên truyền, hỗ trợ,
cung cấp thông tin cho người khai hải quan, người nộp thuế, đặc biệt là những
chính sách mới liên quan đến lĩnh vực hải quan; trong những năm qua, ngoài việc thực hiện
Nghị định 66/2008/NĐ-CP ngày
28/5/2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp,
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đã
ban hành Quyết định số 1915/QĐ-TCHQ ngày
17/10/2007 về việc ban hành Quy chế công tác tuyên truyền, hỗ trợ cung cấp thông
tin cho người khai hải quan, người nộp thuế và Quyết định 2363/QĐ-TCHQ ngày
03/7/2013 về việc ban hành Quy chế tổ chức đối thoại với người khai hải quan,
người nộp thuế của cơ quan Hải quan. Theo
nội dung tại các Quy chế này, hoạt động hỗ
trợ pháp luật về hải quan cho các doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan được
thực hiện dưới nhiều hình thức, biện pháp khác nhau như: tổ chức hội nghị, hội
thảo, tập huấn; cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử của cơ quan Hải
quan; hướng dẫn giải đáp cho người khai hải quan trực tiếp tại trụ sở cơ quan
Hải quan, tại trụ sở doanh nghiệp, qua điện thoại và bằng văn bản, v.v.
Theo quy định, hàng năm, Cục Hải quan địa phương tổ chức Hội
nghị đối thoại với doanh nghiệp
định kỳ 03 tháng hoặc 06 tháng một lần; Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính)
phối hợp với VCCI tổ chức định kỳ 01
lần đối với doanh nghiệp toàn quốc ở 2 khu vực phía Bắc và phía Nam. Tuy nhiên,
số hội nghị đối thoại với doanh nghiệp do các cấp từ Tổng cục Hải quan đến Chi
cục Hải quan thực hiện những năm qua nhiều hơn rất nhiều so với quy định. Hình
thức, thành phần tham gia đối thoại rất đa dạng phong phú như:
hội nghị với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật
Bản, Ý, Châu Âu… Tại các Hội nghị đối thoại này, cơ quan Hải quan đều phổ
biến các chính sách mới liên quan đến lĩnh vực hải quan
vừa
được ban hành.
Ngoài ra, khi các các chính sách mới
liên quan đến lĩnh vực hải quan được ban hành, cơ quan Hải quan thường xuyên
phối hợp với VCCI tổ chức tập huấn cho doanh nghiệp để biết và thực hiện. Bên
cạnh đó, các tài liệu phổ biến chính sách mới
về hải quan đều được đăng tải rộng rãi trên Cổng thông tin điện tử của ngành
Hải quan, Báo Hải quan. Do đó,
để cập nhật được văn bản, chính sách mới liên quan đến Hải quan,
đề nghị doanh nghiệp tham gia tích
cực, đầy đủ vào các Hội nghị đối thoại, tập huấn cho doanh nghiệp hàng năm do
ngành Hải quan tổ chức hoặc truy cập Cổng thông tin điện tử hải quan, Báo Hải
quan…
Hiện nay, tại
các Chi cục Hải quan đều có Tổ giải quyết vướng mắc để kịp thời giải quyết vướng
mắc phát sinh của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện hoạt động xuất nhập
khẩu. Do đó,
nếu có bất cứ khó khăn
vướng mắc nào của doanh nghiệp có liên quan đến việc thực hiện chính sách, thủ
tục hải quan…Đề nghị các doanh nghiệp phản ánh trực tiếp đến Tổ giải quyết vướng
mắc tại các Chi cục Hải quan nơi doanh nghiệp trực tiếp làm thủ tục hải quan để
được hỗ trợ và giải đáp về pháp luật.
Câu hỏi 2:
Trước khi luật có hiệu lực, phải thông báo, đào tạo, hướng dẫn thực hiện, ổn
định hệ thống văn bản pháp luật, chỉ thay đổi khi điều kiện thay đổi, thay đổi
khi cần thiết.
Trả lời:
Trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, Tổng cục Hải
quan đã lấy ý kiến tham gia của các tổ chức, cá nhân dưới nhiều hình
thức: tổ chức hội thảo lấy ý kiến trực tiếp, thông qua các buổi tọa
đàm, hội nghị đối thoại, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ
Tài chính, Tổng cục Hải quan trong thời gian 60 ngày...qua đó đã giúp
tổ chức, cá nhân sớm tiếp cận nội dung mới của văn bản.
Hệ thống các văn bản pháp luật đều được xây dựng trên nguyên tắc phù
hợp với yêu cầu mục tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia;
minh bạch, đơn giản hóa thủ tục về hải quan. Những văn bản cần phải
thay đổi chính là văn bản không còn phù hợp với công tác quản lý
hoặc không đáp ứng với lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân, của
các Doanh nghiệp.
Câu hỏi 3:
Quá nhiều thông tư được ban hành gây khó cho doanh nghiệp, vì doanh nghiệp
không phải là các công ty chuyên nghiên cứu chính sách, do vậy mỗi lần có thông
tư mới được đưa ra doanh nghiệp gặp khó
khăn
trong việc
thực hiện theo đúng thông tư. Khi phát hành thông tư nên đính kèm theo phụ lục
những thay đổi của thông tư mới với thông tư cũ, để doanh nghiệp dễ dàng cập
nhật thông tin về chính sách, pháp luật hải quan đúng và hiệu quả về thời gian
cũng như chi phí.
Trả lời:
Việc soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Thông tư đã
được Tổng cục Hải quan tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, theo
đó, quá trình xây dựng dự thảo, Tổng cục Hải quan đã lấy ý kiến
đóng góp của các doanh nghiệp dưới nhiều hình thức: tổ chức hội
thảo lấy ý kiến trực tiếp, thông qua các buổi tọa đàm, hội nghị đối
thoại, đăng tải trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Tổng
cục Hải quan trong thời gian 60 ngày,...qua đó đã giúp doanh nghiệp sớm
tiếp cận nội dung mới của văn bản.
Sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, Tổng cục Hải quan đã
đưa nội dung văn bản lên trang thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan,
Chính phủ, Bộ Tài chính và đăng Công báo. Đối với hệ thống văn bản
pháp luật có liên quan đến lĩnh vực hải quan, doanh nghiệp có thể truy
cập các Trang thông tin nêu trên để khai thác tài liệu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, tuyên
truyền nội dung mới của văn bản quy phạm pháp luật để doanh nghiệp
nắm bắt và thực hiện.
Câu hỏi 4:
Thông tư, văn bản, biểu mẫu thay đổi liên tục gây khó khăn cho tính liên tục
của công việc. Các cơ quan, ban ngành cần phối hợp, nghiên cứu, tham khảo ý kiến
đóng góp để đưa ra những chính sách, thủ tục mang tính thống nhất, lâu dài.
Trả lời:
Quá trình xây dựng văn bản quy
phạm pháp luật, ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, tổ
chức, cá nhân có liên quan, Tổng cục Hải quan đã gửi các Bộ, ngành
xin ý kiến về dự thảo văn bản, trong đó có nội dung sự cần thiết
của việc ban hành văn bản mới. Các ý kiến đóng góp đã được Tổng
cục Hải quan nghiên cứu, tiếp thu để bảo đảm tính thống nhất của văn
bản. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) sẽ tiếp
tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong công tác hoạch định
chính sách nhằm tăng cường tính ổn định, thống nhất của hệ thống văn
bản quy phạm pháp luật.
Câu hỏi 5:
Đôi lúc còn thiếu tính nhất quán và đồng bộ giữa các đơn vị hải quan; thiếu
sự hướng dẫn chi tiết, cụ thể làm DN lúng túng.
Trả lời: Doanh nghiệp không nêu cụ thể vướng mắc thuộc đơn vị nào; do vậy,
đề nghị Doanh nghiệp nêu cụ thể vướng mắc để Tổng cục Hải quan đưa ra
phương án xử lý theo chức năng, nhiệm vụ.
Câu hỏi 6:
Quá nhiều Luật, Nghị định, Thông tư quy định kiểm tra chuyên ngành, các DN
mất rất nhiều thời gian để thông quan, tốn chi phí, ảnh hưởng đến tiến độ dự án
sản xuất. Đề nghị sửa đổi bổ sung các Luật, Nghị định, Thông tư kiểm tra chuyên
ngành liên quan theo hướng lược bỏ, đơn giản hóa thủ tục.
Trả lời:
Quá trình thực hiện Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản
hướng dẫn thi hành về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đã mang lại
hiệu quả tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Tuy nhiên, quá trình
thực hiện cũng phát sinh một số vướng mắc, bất cập mà trong đó phần lớn các
vướng mắc phát sinh từ việc cơ sở hạ tầng, hệ thống chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới
của Luật Hải quan; vướng mắc đối với hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành.
Việc thông quan đối với hàng hóa xuất
khẩu, nhập khẩu không chỉ phụ thuộc vào các thủ tục hải quan mà còn dựa vào kết
quả kiểm tra của các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nên thời gian vừa qua cơ quan
Hải quan nhận được nhiều phản ánh về thủ tục kiểm tra chuyên ngành còn rườm rà,
phức tạp, đôi khi mang tính hình thức, tăng chi phí và kéo dài thời gian thông
quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp. Còn có tình trạng các văn
bản quản lý chuyên ngành còn yêu cầu các chứng từ mà Luật Hải quan đã đơn giản
hóa. Ví dụ: Khi làm thủ tục hải quan đối với trường hợp xuất khẩu cá tra theo
quy định tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP doanh nghiệp phải xuất trình cho cơ quan
Hải quan hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra đã được Hiệp hội cá tra Việt Nam xác
nhận và đối với trường hợp xuất khẩu gạo, theo quy định tại Nghị định
109/2010/NĐ-CP doanh nghiệp phải xuất trình hợp đồng xuất khẩu gạo đã được Hiệp
hội lương thực Việt Nam xác nhận. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Hải quan và
các văn bản hướng dẫn thi hành thì hợp đồng xuất khẩu hàng hóa là chứng từ không
bắt buộc phải có trong bộ hồ sơ hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Hải quan đang xây dựng Đề án nâng cao
hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đồng
thời, Tổng cục đang rà soát tích cực làm việc với các Bộ,
ngành
tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ
và Chính phủ
để xây dựng cơ chế phối
hợp và kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, phương thức quản lý, tiêu
chuẩn chất lượng,...để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành tại
cửa khẩu.
Câu hỏi 7:
Theo DN được biết, Luật Hải quan 2014 đã quy định đơn giản hóa bộ hồ sơ hải
quan bằng cách không yêu cầu DN bắt buộc phải nộp một số chứng từ như: hợp đồng
mua bán, hóa đơn thương mại..v.v.. Nhưng hiện tại khi làm thủ tục HQ, DN vẫn
phải nộp hồ sơ đầy đủ theo quy định cũ. Đề nghị cơ quan HQ sớm đưa ra các thông
tư, nghị định hướng dẫn thi hành luật HQ 2014 và áp dụng đồng bộ trên cả nước để
DN thuận lợi hơn trong quá trình làm thủ tục hải quan.
Trả lời:
Trên cơ sở Luật Hải quan năm 2014,
Tổng cục Hải quan đã rà soát,
sắp xếp, quy hoạch hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan
nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản quy phạm
pháp luật. Theo đó, Tổng cục Hải quan đã soạn thảo, trình cơ quan có
thẩm quyền ban hành 03 Nghị định và 13 Thông tư của Bộ Tài chính
hướng dẫn thi hành Luật Hải quan.
Các văn bản trên đều xây dựng trên nguyên tắc phù hợp với yêu cầu mục
tiêu chung của cải cách nền hành chính quốc gia; minh bạch, đơn giản
hóa thủ tục về hải quan, như: khai hải quan được thực hiện theo phương
thức điện tử, việc khai trên tờ khai giấy chỉ áp dụng đối với một
số trường hợp cụ thể. Hồ sơ hải quan đã được đơn giản hơn, giảm bớt
các giấy tờ không cần thiết, sắp xếp lại các khâu trong quy trình thủ
tục hải quan để loại bỏ các khâu trung gian, áp dụng quản lý rủi ro
để kiểm tra hồ sơ và hàng hóa, giảm thời gian thông quan...
Quá trình xây dựng văn bản, đã rà soát các điều ước quốc tế để bảo
đảm phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên,
đồng thời đảm bảo vừa tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập
khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về
hải quan, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành pháp luật của doanh
nghiệp.
Câu hỏi 8: Doanh nghiệp bị xử phạt hành
chính khi làm mất tờ khai hải quan. Trường hợp làm mất tờ khai có
nhiều lý do: vừa chủ quan vừa khách quan. Nếu DN có giải trình lý do
chính đáng thì không nên xử phạt mà nên có một mức phí nào đó để
làm công tác sao y tờ khai.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày
15/10/2013 của Chính phủ thì hành vi vi phạm các quy định về lưu mẫu,
lưu hồ sơ, chứng từ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Về phí sao y lại tờ khai khi bị mất chưa được quy định cụ thể tại
Pháp lệnh phí, lệ phí và các văn bản
hướng dẫn thi hành nên thời điểm hiện tại không có căn cứ áp dụng.
Trong thời gian tới, khi hệ thống thông quan kết nối hoàn toàn với các
Bộ, ngành thì hành vi này sẽ tự triệt tiêu theo thực tế.
TỔNG HỢP Ý KIẾN TRẢ LỜI CÁC KIẾN NGHỊ
CỦA DOANH NGHIỆP THEO LĨNH VỰC HOẠT ĐỘNG
1.2. Liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành, cơ quan khác:
Câu hỏi 9: Làm rõ quyền hạn của Hải quan
khi lập biên bản xử phạt hành chính doanh nghiệp vì hơi một chút là
dọa lập biên bản doanh nghiệp.
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 6 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013
của Chính phủ thì: “Người có thẩm
quyền lập biên bản vi phạm hành chính gồm người có thẩm quyền xử
phạt, công chức, viên chức đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; người chỉ
huy tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu và những người được chỉ huy
tàu bay, thuyền trưởng, trưởng tàu giao nhiệm vụ lập biên bản”.
Thẩm quyền xử phạt của Hải quan được quy định tại Điều 42 Luật Xử
lý vi phạm hành chính năm 2012.
Do vậy, trong trường hợp phát hiện công chức Hải quan không thực hiện
đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, doanh
nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định.